[Review] Sách “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” – Học cách yêu thương

Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Tên gốc: The story of a seagull and the cat who taught her to fly) là một tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi của nhà văn người Chi Lê Luis Sepúlveda. Sách được Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn liên kết phát hành năm 2009. Đây là một cuốn sách trong sáng, hài hước đầy tinh tế, thấm đẫm tình mèo và tình người, ca ngợi sự tận tâm và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa. 

IMG_0221_Fotor

Từ tên sách hết sức dễ thương đến bìa sách độc đáo đều gây tò mò, hứng thú cho độc giả. Bìa truyện gây ấn tượng với nền xanh, trên đó, một con mèo mun to đùng mập ú mỉm cười ngước lên bầu trời ngắm con hải âu đang bay lượn. Dòng chữ “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” như một sợi dây mềm mại nối mặt đất với bầu trời, như một mối liên kết giữa bầu trời và mặt đất, giữa con mèo mun và hải âu. Các hình minh hoạ bên trong cuốn sách cũng đẹp đến ngỡ ngàng.
mha2 Story-of-a-seagull-image

Câu chuyện bắt đầu…

27354738

Câu chuyện bắt đầu khi đàn hải âu xinh đẹp bay trên cửa sông Elber, rồi lao xuống vũng cá trích. Không may, đôi cánh cô hải âu xinh đẹp Kengah bị dính dầu và không thể tiếp tục bay. Với chút sức lực cuối cùng, cô đã hạ cánh ở ban công nhà Zorba – con mèo mun to đùng mập ú. Tại đây, cô đã sinh một quả trứng, và chú mèo Zorba phải hứa 3 điều với cô hải âu tội nghiệp: Sẽ “không ăn quả trứng”, sẽ “chăm lo cho quả trứng đến khi chú chim non ra đời” và sẽ “dạy nó bay”.

Từ đây, cuộc hành trình thực hiện 3 lời hứa với cô hải âu của Zorba và những con mèo trên bến cảng Hamburg bắt đầu, với biết bao khoảnh khắc hồn nhiên, vui tươi nhưng cũng không kém phần sâu sắc và thấm đẫm tình mèo.

Tình yêu thương chân thành

Zorba đã giữ trọn vẹn 3 lời hứa với cô hải âu. Zorba và cộng đồng mèo ở bến cảng Hamburg đã chăm sóc và bảo vệ hải âu bé bỏng từ khi còn trong trứng nước. Sự tận tâm chăm sóc, bảo vệ này dần dần không còn là trách nhiệm với lời hứa nữa, mà xuất phát từ chính tình yêu thương của Zorba, tình yêu thương một ai đó khác mình. Zorba đã trở thành má “xịn” của hải âu Lucky, cùng với những con mèo ở bến cảng, tất cả đã trở thành gia đình của Lucky.

“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy, chúng ta là bạn của con, là gia đình của con, và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: Chúng ta học cách trân trọng, quý mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương một ai đó khác mình thật sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là con chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay.”

Pea3fjG

Lời nói của Zorba chắc chắn sẽ lấy đi nước mắt của nhiều người. Khi chúng ta yêu thương ai đó bằng tất cả sự chân thành, thì mọi định kiến và khác biệt chỉ là điểm tựa cho tình cảm cao đẹp trong loài mèo, loài người ấy được sâu sắc hơn thôi.

Cảnh cuối truyện, khi con hải âu nhỏ Lucky chia tay chú mèo Zorba, xoè đôi cánh giữa làn mưa và bắt đầu bay cũng sẽ khiến người đọc xúc động.

“Con yêu má, Zorba. Má là con mèo tuyệt vời nhất thế giới. Con sẽ không bao giờ quên má và các bác mèo.”

Và Zorba ngồi đó, dõi theo con hải âu, không biết những giọt nước mưa hay nước mắt đã phủ mờ đôi mắt chú.

Tôi thực sự xúc động và ngưỡng mộ tình mèo cao cả ấy. Đó là một tình yêu thương vô điều kiện, một sự tận tâm, hết lòng chăm sóc, dạy dỗ và bảo vệ đối với con chim hải âu bé nhỏ không hề giống mình. Vậy, loài người thì sao? Liệu chúng ta có mở rộng lòng với những người khác, với các loài vật, với thế giới xung quanh?

Tôi rất thích cái tên của con hải âu – Lucky. Cô bé thật sự may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở bến cảng Hamburg, trong tình yêu thương của mèo Zorba, Đại Tá, Bốn Biển, Secretario và Einstein ở bến cảng. Và chính những con mèo tử tế và cao quý ở bến cảng cũng rất may mắn, khi được nuôi dạy một con hải âu, và làm được một điều vô cùng khó khăn – yêu thương ai đó khác mình.

Khao khát tự do

Con hải âu Lucky bé nhỏ tuy được bọn mèo hết sức cố gắng dạy bay, nhưng vẫn không thể bay. Có lẽ là bởi khi đó, Lucky chưa thực sự muốn bay và sợ bay. Chỉ khi dang rộng đôi cánh trước làn mưa mát lành, cảm nhận làn nước, nó mới thực sự muốn bay và khao khát được làm chủ bầu trời. Lucky đã thành công, và thấu hiểu điều quan trọng nhất: “Chỉ những kẻ thực sự dám thì mới có thể bay.”

20150125_193908_Fotor

Vấn đề môi trường

Truyện cũng lên án hành động của con người khi làm tràn dầu ra biển, khiến cô hải âu Kengah (và nhiều loài khác nữa) chết oan uổng. Trong khi đó, những con mèo ở cảng lại hết lòng yêu thương và nuôi dưỡng một con hải âu. Truyện khiến chúng ta phải suy nghĩ về những điều mình đã làm cho sinh vật thế giới và môi trường xung quanh.

Cuốn sách là một câu chuyện đầy xúc động, một thế giới vẹn nguyên trong sáng và nhân hậu sâu xa, như viên ngọc khó tìm, dành cho mọi trẻ em và người lớn…

Hanayuki

22 thoughts on “[Review] Sách “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” – Học cách yêu thương

  1. Anh biết rồi nhá. Chú đang tập chụp ảnh đúng không? 😈 Mà đọc truyện này anh cũng muốn nuôi mèo quá đi. Dạo này trễ nải dịch truyện quá, phải nghiêm túc kiểm điểm thôi.

    Like

    • Chuẩn r =)))) đc wordpress chị kia truyền cảm hứng :v Tui thích con mèo, đáng yêuuu<3 Mà dịch truyện đi =="

      Like

  2. Bởi vì đây là cảm nhận của mỗi cá nhân nên mình cũng theo “dòng cảm nhận” đó mà trao đôi.

    Đây là một câu chuyện đầy ẩn ý, đáng để suy ngẫm sau khi đọc xong, nhưng mình không dám chắc đây là một câu chuyện đáng để đọc đi đọc lại (ít nhất là đối với phần đông). Phần đông đọc xong thì chỉ đọc một lần rồi cất đi.

    Không biết là bạn đã đọc những quyển sách truyện nào nữa ?

    Like

    • Mình nhận thấy đây là một câu chuyện có tính chất ngụ ngôn. Sự tinh tế của tác giả khi quan sát con mèo và con chim hải âu, quan sát đủ nhiều để nhận thấy sự khác biệt giữa chúng, từ đó mới có cái để viết. Cái đó là óc quan sát của nhà văn. Hơn nữa, ngụ ngôn này ám chỉ về vấn đề khác loài, với con người là khác dân tộc. Ngụ ý hướng về sự hòa bình dân tộc.

      Cùng một dân tộc yêu thương nhau thì dễ hơn, nhưng khác dân tộc là khác gần như tất cả. Sự xung đột dân tộc, chiến tranh quốc gia. Một tác phẩm ngụ ý kêu gào hòa bình quốc gia. Chú mèo làm gì biết bay mà bị ép (buộc phải hứa) dạy con chim bay ? Đó là ép ta làm một việc chưa từng có đối với giống loài, chỉ khi đó, ta mới học cách quên mình và yêu thương người.

      Ngoài ra, mình có thể đoán được nơi tác giả sống (dù chưa từng biết gì) ven biển. Vì vậy, tác giả mới ngày ngày nhìn hải âu, quan sát và nhận ra cái mà không ai nhận ra. Chim hải âu bay thì người dân Chi lê nào cũng thấy nhưng lại không nhận ra điều mà tác giả nhận ra.

      Liked by 1 person

    • Những gì bạn cảm nhận quá sâu sắc 😮 Mình chưa bao giờ nghĩ về cuốn truyện theo cách như vậy

      Like

    • Tình yêu thương một ai đó khác mình ? Không, sự thật là mỗi người là mỗi khác biệt, không ai giống ai, vì vậy, yêu thương một ai đó cũng là yêu một ai đó khác biệt. Ở đây nói riêng về tình yêu.

      Tình yêu chân thành hay vô điều kiện. Sự thật, tác giả cố ý đặt tình huống để nói lên tình yêu vô điều kiện. Sau khi gửi gắm con của mình, cô hải âu chết. Như thế là để chú mèo không thể đặt điều kiện gì thêm nữa, mà buộc lòng phải hứa trong tình huống hấp hối, hứa rồi mà người ta đâu còn nữa mà đòi hỏi điều kiện hay đưa đẩy trách nhiệm cho ai. Cuối cùng, điều mà tác giả cũng muốn “kêu gào” đó là kêu gọi mọi người hãy học cách yêu nhau vô điều kiện.

      Chân thành vẫn còn vướng vấp điều kiện, yêu hết lòng vẫn có thể bị lung lay, nhưng một khi đã vô điều kiện thì kiểu gì cũng làm. Khi đó, ta mới thật sự quên mình mà yêu thương người.

      Đó là thứ tình yêu mà trong cuộc sống này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

      Mỗi chúng ta sinh ra vì sống lầm theo bản ngã mà có tính ích kỷ, tư lợi. Vì thế, sống một cuộc sống vì tư lợi bản thân,ích kỷ cực kỳ dễ. Khi đã yêu vô điều kiện là lúc đã vứt bỏ được 2 yếu tố trên.

      Liked by 1 person

    • Không chỉ tình yêu mà có cả vấn đề tác hại của công nghệ hiện đại, những tác phẩm văn học nói về 2 điều này không ít. Nhưng ở đây, tác giả chỉ lồng vào đoạn đầu câu chuyện, một nút thắt gợi mở để thiếu nhi có một manh mối sẵn trong vô thức, còn người lớn thì suy ngẫm và xét lại vấn đề, tác giả không hề tháo nút.

      Việc này làm mình suy nghĩ về 2 chữ “tiến bộ”. Nhân loại trước nay vẫn luôn đi tìm cái gì chưa biết, chưa có, phát minh, ứng dụng được rồi thì đó là “tiến bộ”, nhưng chúng ta chưa bao giờ xét rằng: đâu là đích đến? Tiến bộ đến đâu? Cái gì cũng phải có đích đến để biết mình làm gì. Phát hiện và ứng dụng được dầu thì có ích cho nhân loại vô cùng nhiều, nhưng tràn ra biển thì lại vô cùng có hại. Vậy sự tiến bộ này để hướng nhân loại đến tận thiện, tận mỹ hay ngược lại ?

      Cái gì cũng có mặt trái và mặt phải của nó. Việc này, nên tiếp tục như thế, thỉnh thoảng vài năm tràn dầu một lần hay ta cần xét lại các “bảng giá trị” của nó. Quả là rất phức tạp vô cùng.

      Cuối cùng, tác giả lồng vào một tác phẩm cho thiếu nhi một manh mối, nhằm mục đích gửi gắm tương lai cho thế hệ tiếp theo. Thế hệ này chưa nhận ra thì thế hệ sau, sau rồi sau nữa sẽ sữa chữa được.

      Like

    • Ấy chết, sai lỗi chính tả chữ “sửa” thành “sữa” rồi, mà không có chức năng chỉnh sửa 😦

      Like

    • Những gì mình viết trên đây vừa phê bình văn học, vừa cảm nhận. Phần phê bình thì nói về mặt tích cực, chưa phản bác, khá ít. Cảm nhận thì phần lớn xuất phát từ vốn học thức cá nhân, cái học của mình. Do đó mà mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Tức là tùy vào trình độ học thức mỗi người mà có những góc nhìn khác nhau.

      Viết xong đọc lại chẳng biết mình đã viết cái gì, phê bình hay cảm nhận mình cũng chẳng rõ …. lol

      Liked by 1 person

Leave a comment